Khi nhắc đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến một quốc đảo nhỏ bé nhưng đầy nội lực và tự hào. Nét văn hóa Nhật Bản không đơn thuần là những giá trị cổ kính, mà còn là sự giao thoa tinh tế giữa truyền thống làm nền tảng và hội nhập tinh hoa hiện đại. Tựa như một cây bonsai được tạo hình tỉ mỹ, văn hóa Nhật Bản tổng hợp những giá trị tinh hoa đồng thời vẫn mang trong mình bản sắc độc nhất trên thế giới.

Loạt bài viết này sẽ mời bạn đến với hành trình tìm hiểu những đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, từ cội nguồn tín ngưỡng đến nghệ thuật tinh hoa, từ sự du nhập văn hóa Trung Hoa đến đời sống thường nhật của con người Nhật.
Phần 1: Cội nguồn văn hóa – Gốc rễ và tinh thần Nhật Bản
1.1. Lịch sử hình thành
Văn hóa Nhật Bản bắt nguồn từ giai đoạn Yayoi (300 TCN – 300 SCN), khi các nhóm người địa phương bắt đầu tiếp thu các ảnh hưởng từ Trung Hoa và Triều Tiên. Theo đặc sắc, người Nhật bản đã hình thành một bản sắc độc nhất, nổi bật bằng khả năng tiếp thu và biến đổi theo phong cách riêng. Với tinh thần “tự cường” và nguyên tắc “lựa chọn tinh hoa,” Nhật Bản dần dần đào sâu gốc rễ văn hóa của mình.
1.2. Tín ngưỡng Shinto – Thần đạo
Nếu phải tìm một yếu tố nổi bật nhất trong cội nguồn văn hóa Nhật Bản, thích hợp nhất là Shinto (神道). Thần đạo, như tên gọọi, là con đường tôn thờ các “kami” (神) – những vị thần linh thiên gắn liền với thiên nhiên. Theo quan niệm Shinto, cái đẹp và sự linh thiên không chỉ tồn tại trong những đền thờ nguy nga, mà còn trong tự nhiên: cây cổ thụ, đá nhỏ, hay đám mây trên bầu trời.

Shinto là triết lý sống hòa hợp, nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Các nghi lễ trong Thần đạo thường bao gồm nghi thức tẩy trần (水平) để thanh tẩy linh hồn, đồng thời tôn thờ những vị thần bảo hộ cho cuộc sống hàng ngày.
1.3. Phật giáo – Sự du nhập và ảnh hưởng
Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6, thông qua Triều Tiên và Trung Hoa. Theo đó, Phật giáo nhanh chóng trở thành một trong những tín ngưỡng quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa triết lý thần thánh và đời sống hàng ngày. Các tông phái như Thiền tông (禅宗) và Tịnh Độ tông (淨土宗) đạt được nhiều ảnh hưởng, không chỉ trong tôn giáo mà còn trong nghệ thuật và kiến trúc.

1.4. Nguyên lý “Wa” (和) – Hòa hợp trong văn hóa Nhật Bản
Nguyên lý “Wa” (和), tạm dịch là “hòa hợp,” là một trong những trụ cột tinh thần quan trọng nhất của văn hóa Nhật Bản. “Wa” không chỉ là sự hòa thuận trong gia đình mà còn lan tỏa đến cộng đồng và quốc gia, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và cân bằng giữa cá nhân và tập thể.
Triết lý này đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì các giá trị văn hóa truyền thống. Trong gia đình, “Wa” thúc đẩy sự đoàn kết qua các nghi lễ như O-Bon (お盆) hoặc lễ mừng tuổi mới, nơi các thế hệ cùng tụ họp, chia sẻ và tưởng nhớ tổ tiên. Ở cấp độ cộng đồng, “Wa” được biểu hiện qua tinh thần hợp tác trong các lễ hội như Matsuri, nơi mọi người chung tay tổ chức và giữ gìn bản sắc địa phương.
Ở cấp quốc gia, nguyên lý này là nền tảng để Nhật Bản duy trì sự ổn định xã hội trong lịch sử và hiện đại. “Wa” không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa mà còn thúc đẩy sự thích nghi với thay đổi, làm nổi bật tính cách Nhật Bản: hòa nhã, linh hoạt nhưng vẫn giữ gìn gốc rễ truyền thống.
Phần 2: Nghệ thuật truyền thống – Tinh hoa Nhật Bản
Kiến trúc truyền thống
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn của triết lý Phật giáo và Thần đạo. Các công trình kiến trúc truyền thống không chỉ phản ánh tài năng kỹ thuật mà còn là biểu tượng của văn hóa và tín ngưỡng. Hai loại hình kiến trúc tiêu biểu là nhà gỗ “minka” (民家) và lâu đài “shiro” (城).
Nhà gỗ Minka: Đây là kiểu nhà ở truyền thống của người dân Nhật Bản, thường được xây dựng từ gỗ và vật liệu tự nhiên như rơm, đất sét. Thiết kế của minka tập trung vào sự hài hòa với thiên nhiên, với mái tranh dốc để chịu được mưa tuyết và cửa trượt shoji giúp kết nối không gian bên trong và bên ngoài. Minka không chỉ là nơi ở mà còn là minh chứng cho triết lý sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên của người Nhật Bản.


Lâu đài Shiro: Lâu đài Nhật Bản như Himeji (姫路城) hay Matsumoto (松本城) được xây dựng để bảo vệ các lãnh chúa phong kiến, nhưng đồng thời cũng thể hiện nghệ thuật kiến trúc tinh tế. Với thiết kế tầng lớp, tường đá vững chắc và hệ thống phòng thủ phức tạp, các lâu đài này là biểu tượng của quyền lực và kỹ thuật xây dựng vượt trội. Tuy nhiên, yếu tố thẩm mỹ cũng được chú trọng, thể hiện qua sự phối hợp hài hòa giữa thiên nhiên và công trình.

Ảnh hưởng của Thần đạo và Phật giáo lên kiến trúc truyền thống Nhật Bản rất rõ nét. Triết lý Thần đạo đề cao sự gắn kết với thiên nhiên, điều này thể hiện qua việc các công trình luôn tận dụng cảnh quan tự nhiên xung quanh. Trong khi đó, Phật giáo mang đến tinh thần tĩnh lặng và thiền định, làm nổi bật tính tối giản và hài hòa trong các chi tiết kiến trúc.
Trà đạo (茶道)
Trà đạo, hay còn gọi là “chanoyu” (茶の湯), là một nghệ thuật truyền thống được Nhật Bản phát triển từ nguồn gốc Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ 8, trà được du nhập từ Trung Hoa qua con đường tơ lụa và nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thế kỷ 15, trà đạo mới thực sự đạt đến đỉnh cao nhờ sự đóng góp của thiền sư Sen no Rikyū (千利休), người đã hoàn thiện và hệ thống hóa các nguyên tắc của trà đạo.

Trà đạo Nhật Bản không chỉ là nghệ thuật pha trà mà còn là nghi lễ mang tính biểu tượng, thể hiện triết lý sống và tinh thần thiền định. Bởi văn hoá truyền thống Nhật Bản là văn hoá tu luyện, hướng con người đến cảnh giới cao hơn, cho nên người Nhật Bản tin rằng, thông qua trà mà con người có thể bước vào cánh cửa của “ĐẠO” – cánh cửa của đề cao sinh mệnh. Các nguyên tắc “hòa, kính, tịnh, nhàn” (和敬清寂) là cốt lõi của trà đạo:
- Hòa (Wa): Sự hòa hợp giữa con người với nhau và với thiên nhiên, thể hiện qua không gian trà thất và cách bài trí đơn giản.
- Kính (Kei): Tôn trọng và khiêm nhường, từ cách tiếp khách đến từng động tác trong nghi thức pha trà.
- Tịnh (Sei): Sự trong sạch cả về không gian lẫn tâm hồn, biểu hiện qua việc giữ gìn trà thất và dụng cụ pha trà.
- Nhàn (Jaku): Sự tĩnh lặng và bình yên nội tâm, là trạng thái lý tưởng mà trà đạo hướng tới.
Mỗi buổi trà đạo là một trải nghiệm đầy ý nghĩa, nơi con người tạm gác lại những lo toan để tìm lại sự bình yên và cảm nhận vẻ đẹp của từng khoảnh khắc.
Hoa đạo (華道)
Hoa đạo, hay nghệ thuật cắm hoa Ikebana (生け花), là một biểu tượng khác của văn hóa Nhật Bản, mang đậm tinh thần thiền định và tối giản. Ikebana không chỉ là việc cắm hoa mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và triết lý sống.

Nguồn gốc của Ikebana bắt đầu từ thế kỷ 6 khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, mang theo truyền thống dâng hoa lên bàn thờ Phật. Tuy nhiên, qua thời gian, Ikebana phát triển thành một hình thức nghệ thuật độc lập, phản ánh triết lý của người Nhật về thiên nhiên và con người.
Nguyên tắc cơ bản của Ikebana là sự cân bằng và đối xứng, với ba yếu tố chính: thiên (天 – trời), địa (地 – đất), và nhân (人 – con người). Triết lý này thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và vũ trụ. Sự tối giản trong Ikebana không chỉ ở việc chọn lựa số lượng hoa ít mà còn ở cách sắp xếp sao cho mỗi nhánh hoa đều mang một ý nghĩa riêng.

Thư pháp (書道)
Thư pháp Nhật Bản, hay “shodō” (書道), là sự kết hợp hoàn hảo giữa ngôn từ và nghệ thuật, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Hán. Nghệ thuật này không chỉ dừng lại ở việc viết chữ mà còn là cách thể hiện cảm xúc và tinh thần qua từng nét bút.

Chữ Hán được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 5, mang theo hệ thống văn tự và tri thức. Người Nhật sau đó đã sáng tạo thêm hệ thống chữ viết riêng như Hiragana (ひらがな) và Katakana (カタカナ), nhưng thư pháp bằng chữ Hán vẫn giữ vai trò quan trọng trong văn hóa. Một bức thư pháp đẹp không chỉ dựa vào hình dáng chữ mà còn phụ thuộc vào thần thái của người viết. Từng nét bút phải toát lên sự cân đối, nhịp điệu và sự hòa quyện giữa cảm xúc và kỹ thuật.

Kịch nghệ truyền thống
Nghệ thuật kịch truyền thống Nhật Bản là một kho tàng phong phú, với các loại hình nổi bật như Noh (能), Kabuki (歌舞伎) và Kyogen (狂言). Mỗi loại hình kịch mang một phong cách riêng, nhưng đều phản ánh sâu sắc tâm hồn và văn hóa Nhật Bản.
Kịch Noh: Là loại hình kịch cổ xưa nhất, xuất hiện từ thế kỷ 14, Noh mang đậm tinh thần thiền định và biểu tượng. Với diễn xuất chậm rãi, âm nhạc cổ điển và những chiếc mặt nạ độc đáo, Noh tập trung khắc họa các câu chuyện thần thoại, lịch sử và triết lý Phật giáo.

Kabuki: Khác với Noh, Kabuki ra đời vào thế kỷ 17 với phong cách sôi động và phô diễn. Các màn biểu diễn Kabuki thường đầy màu sắc, với trang phục lộng lẫy, hóa trang cầu kỳ và những động tác diễn xuất mạnh mẽ, thể hiện các câu chuyện về đời sống, tình yêu và chính trị.

Kyogen: Là loại hình kịch hài, thường được biểu diễn xen kẽ giữa các vở Noh. Kyogen nhấn mạnh sự hài hước và châm biếm, phản ánh đời sống thường nhật và những nét tính cách con người một cách gần gũi.
Những loại hình nghệ thuật trên không chỉ là tinh hoa của văn hóa Nhật Bản mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ sau hiểu và trân trọng hơn giá trị truyền thống.
(Còn tiếp)
DTT – Trí Hoa