Tháng 2 22, 2025

Chữ “Nghĩa” – Điều Con Người Cần Để Sống Có Ý Nghĩa

Hãy để giá trị của chữ “Nghĩa” không chỉ là bài học từ quá khứ mà trở thành kim chỉ nam trong thời đại ngày nay, nơi mỗi hành động tử tế và trách nhiệm đều góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.  Bởi lẽ, chỉ khi sống đúng với “nghĩa,” chúng ta mới thực sự đạt được sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa hiện tại và di sản văn hóa lâu đời của dân tộc.

(Ảnh sưu tầm Internet)

1. Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Chữ “Nghĩa”

Trong văn hóa truyền thống, chữ “Nghĩa” (義) là cốt lõi trong hành vi và cách ứng xử của con người. Nó chính là ngọn đuốc soi sáng cho những giá trị cao đẹp, một nguyên tắc sống giúp con người vượt lên trên những toan tính cá nhân để hướng đến sự hòa hợp và công bằng trong xã hội. 

Người xưa theo văn hoá “kính trời – tín Thần”, cho nên chữ viết được mô phỏng lại văn hoá kính lễ Thần Linh bằng chữ tượng hình. Chữ “Nghĩa” gồm hai phần: chữ “Dương” (羊) biểu thị cho lễ vật cúng tế Thần Phật tổ tiên, tốt lành và chữ “Ngã” (我) biểu thị bản thân con người, có thể hiểu rằng con người trước là biết lễ Thần Phật và làm theo chỉ dạy của Thần Phật là có “NGHĨA”. Về sau, chữ “NGHĨA” được mang rất nhiều nội hàm, nhưng đều hướng đến nhấn mạnh sự đồng lòng và tinh thần cao cả vì lợi ích cộng đồng.

Khổng Tử trong “Luận Ngữ” đã nhấn mạnh rằng “nghĩa” là yếu tố định hình mối quan hệ con người. “Quân tử vô sở tranh, tất hồ lễ. Kỳ tranh dã, quân tử nghĩa yên.” (Người quân tử không tranh đua, nếu tranh, cũng phải dựa vào lễ và nghĩa). Đây chính là cốt lõi của chữ “Nghĩa” – một lý tưởng sống vì lẽ phải, công bằng và trách nhiệm. Chính vì vậy, chữ “Nghĩa” đã trở thành một giá trị đạo đức quan trọng trong xã hội truyền thống, định hướng hành vi của cá nhân trong mọi mối quan hệ.

2. Chữ “Nghĩa” Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” một trong bốn đại kỳ thư của Trung Hoa chính là minh chứng nhất cho nội hàm, ý nghĩa cho chữ “NGHĨA”. Bạn muốn biết chữ “NGHĨA” có ý nghĩa là gì? vậy hãy nên đọc Tam Quốc. Ví như trong Nho gia quy định về Tam Cương – Ngũ Thường thì với mỗi một hành vi của một vị trí đều có mô tả sống thế nào là có “NGHĨA”:

  • Anh và em sống thế nào là có “NGHĨA”? vậy hãy xem cách anh em Lưu Bị – Quan Vân Trường – Trương Phi hành xử với nhau thế nào? Anh hết lòng yêu thương em – bao dung – tha thứ – dạy bảo em; em hết lòng kính trọng anh, trung thành và sẵn sàng chết vì lý tưởng của anh. Đó là đạo “NGHĨA”.
  • Vua và tôi sống thế nào là có “NGHĨA”? Vậy hãy xem cách Gia Cát Lượng, Chu Du, Điển Vi, Hứa Chử … và hàng ngàn trung tướng, mưu thần ứng xử với quân chủ của mình, các vai diễn chữ “NGHĨA” trong Tam Quốc đều khiến người đời sau bội phục.

Quan Vũ, được xưng tụng là “Võ Thánh” – nhân vật điển hình của đạo “NGHĨA” chắc chắn là ví dụ gần gũi và thuyết phục nhất với hậu thế về đạo “NGHĨA”. Một minh chứng cụ thể là khi Quan Vũ buông bỏ mọi danh lợi, sự trọng vọng và yêu mến của Tào Tháo trọng dụng để trở về với Lưu Bị, bất chấp nguy hiểm. Ông đã lập điều kiện rõ ràng với Tào Tháo, rằng sẽ bảo vệ hai người vợ của Lưu Bị an toàn về với chủ cũ, và chính hành động này đã thể hiện rõ sự trung nghĩa bất di bất dịch của ông. Khi bị quân Tào bắt giữ, Quan Vũ tuân theo các nguyên tắc nghĩa khí: vừa bảo vệ chủ cũ Lưu Bị, vừa giữ lễ nghĩa với Tào Tháo. Và khi sau trận chiến Xích Bích, Quan Vũ sẵn sàng tha mạng cho Tào Tháo đề đền đáp ân tình của Tào Tháo đối với mình – dù ông biết rằng hành động này có thể khiến ông đối diện với cái chết vì làm trái với quân lệnh trạng.

Tinh thần này thể hiện một sự cân bằng khó đạt được giữa “TRUNG” và “NGHĨA”, giúp Quan Vũ hoàn thành hoàn hảo vai diễn hình mẫu cho hậu thế về thế nào là đạo “NGHĨA” của người quân tử. 

Qua hình tượng Quan Vũ, Tam Quốc Diễn Nghĩa muốn truyền tải thông điệp rằng đạo “NGHĨA” là sự kết nối giữa con người với con người không thể phá vỡ, và giá trị này vượt lên trên cả những rào cản chính trị và cá nhân.

3. Trần Bình Trọng Hy Sinh Vì Đại Nghĩa

Đất Việt với 4000 năm lịch sử trải đầy những anh hùng mẫu mực, khuôn phép cho người sau học về “ĐẠO NGHĨA LÀM NGƯỜI”, đáng tiếc ngày nay lịch sử chỉ dạy các cuộc chiến tranh để cổ suý cho văn hoá đấu tranh mà ít dạy bài học đạo đức khuôn mẫu của người xưa.

Một trong những tấm gương sáng về chữ “NGHĨA” của đất Việt là câu chuyện Trần Bình Trọng, danh tướng nhà Trần, người đã khẳng định lý tưởng bảo vệ quốc gia trước quân xâm lược Nguyên Mông. 

Khi bị bắt và bị dụ dỗ bằng những chức tước cao quý, ông kiên quyết đáp: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Câu nói như một lời thề thiêng liêng, chứa đựng lòng trung nghĩa và khí phách hiếm có, khiến bất kỳ ai nghe qua cũng không khỏi xúc động và tự hào về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Câu nói này không chỉ là lời khẳng định tinh thần trung thành với đất nước mà còn thể hiện rõ giá trị đạo “NGHĨA” vượt lên trên cả lợi ích cá nhân. 

Danh tướng Trần Bình Trọng đã chọn cái chết để bảo vệ người dân khỏi sự tàn phá của giặc phương Bắc. Tinh thần của ông là biểu hiện sống động của tinh thần “vì nghĩa quên thân”, trở thành tấm gương mẫu mực về lòng trung thành và trách nhiệm với đất nước, đồng thời để lại di sản tinh thần mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử ấy, tinh thần đạo “NGHĨA” không chỉ là một giá trị cá nhân mà còn là động lực để duy trì sự tồn tại và phát triển của một quốc gia.

4. Bài Học Từ Chữ “NGHĨA”

Thông qua nội hàm những câu chuyện lịch sử ngàn năm để lại, hậu thế đã có thể hiểu rằng chữ “Nghĩa” không mơ hồ, khó hiểu mà như được định nghĩa rõ ràng, chân thực quy định nguyên tắc sống và ứng xử trong xã hội như thế nào là có “đạo đức”. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có thể thấy tinh thần “nghĩa” thể hiện qua những hành động “VÌ NGƯỜI KHÁC” như cứu giúp người gặp khó khăn, giữ gìn lời hứa, và cống hiến cho cộng đồng mà không mong cầu đền đáp. Ngày nay, vai trò của đạo “NGHĨA” có thể có vài ví dụ như:

  • Trong gia đình: “Nghĩa” giúp duy trì tình thân, sự tôn trọng và trách nhiệm giữa các thành viên. Khi mỗi cá nhân hiểu rõ nghĩa vụ của mình trong gia đình, mối quan hệ sẽ trở nên hài hòa và bền vững. Bởi ai cũng nghĩ cho người khác và vì người khác thì đương nhiên gia đình sẽ hạnh phúc, cuộc sống gia đình đó quả là có “ý nghĩa”.
  • Trong xã hội: “Nghĩa” xây dựng lòng tin, sự hợp tác và công bằng và bền chặt. Một xã hội mà mọi người hành xử có “NGHĨA” là một xã hội mà ai ai cũng nghĩ về việc chung – nhỏ thì nghĩ cho lớp cho trường, lớn thì nghĩ cho tổ chức, quốc gia, cá nhân thì nghĩ cho bạn bè thân hữu, vậy xã hội đó có đáng sống không?
  • Trong quốc gia: “Nghĩa” là yếu tố then chốt để một đất nước trường tồn. Nó là động lực để con người sẵn sàng hy sinh cho QUỐC GIA, cụ thể là cho từng người dân sống trong quốc gia đó, không có bao hàm ý nghĩa hy sinh cho chế độ – nếu chế độ đó không hợp với đạo trời. Đây là yếu tố góp phần tạo dựng một cộng đồng quốc gia bền vững và thịnh vượng.

5. Kết Luận

Chữ “Nghĩa” là ánh sáng soi đường trong mối quan hệ con người, giúp chúng ta vượt qua ích kỷ cá nhân để sống vì cộng đồng. Giá trị của chữ “Nghĩa” không chỉ nằm trong hành động mà còn trong lòng trắc ẩn và trách nhiệm với những người xung quanh. Những tấm gương như Trần Bình Trọng hay Quan Vũ không chỉ là biểu tượng của lòng trung nghĩa mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau. Nhìn vào chữ “Nghĩa,” chúng ta hiểu rằng, sống một cuộc đời ý nghĩa chính là sống với lòng chân thành, trung thực và tinh thần cống hiến vì người khác mà coi nhẹ hay buông xuống những lợi ích cá nhân. 

Hãy để giá trị của chữ “Nghĩa” không chỉ là bài học từ quá khứ mà trở thành kim chỉ nam trong thời đại ngày nay, nơi mỗi hành động tử tế và trách nhiệm đều góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.  Bởi lẽ, chỉ khi sống đúng với “nghĩa,” chúng ta mới thực sự đạt được sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa hiện tại và di sản văn hóa lâu đời của dân tộc.

DTT


Chữ Tín – Gốc Rễ Của Nhân Cách Con Người

Nguyễn Trãi Với  “Nhẫn” – Giá Trị Phổ Quát Của Nhân Loại

Lê Đại Hành – Tấm Gương Đức Hiếu Cho Người Con Đất Việt

Nhân – Giá Trị Vĩnh Cửu Trong Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam

Previous Article

Chữ Tín – Gốc Rễ Của Nhân Cách Con Người

Next Article

Thờ cúng tổ tiên theo truyền thống, người học Pháp Luân Công đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên

You might be interested in …