Tháng 2 22, 2025

Thờ cúng tổ tiên theo truyền thống, người học Pháp Luân Công đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên

Nói về thờ cúng tổ tiên, tôi cho rằng đó là một tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam có nguồn gốc từ xa xưa và mang đạo lý nhân ái, “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ tôn vinh công đức tổ tiên, răn dạy người sống tu nhân tích đức, không phạm công đức đời trước và tích lại phúc đức cho con cháu đời sau.

Khi Nho giáo du nhập vào nước ta, các quy phạm tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã đặt nền tảng đạo đức cho từng cá nhân và toàn xã hội, chữ HIẾU được đề cao, đã làm cho tục thờ cúng tổ tiên có một nền tảng triết lý sâu sắc.

Nho gia giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm nết thiện thì chữ Hiếu đứng đầu). Nho gia dạy làm người quân tử, quang minh chính đại, phụng sự quốc gia. Tiêu chuẩn đứng đầu của Nho gia là chữ Nhân. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu. Trong Luận Ngữ có viết: “Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”.

Vậy thờ cúng tổ tiên đối với một người con có hiếu phải như thế nào? Trong sách Trung Dung, Tử Tư, cháu nội của Đức Khổng Tử, nói: “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã” (nghĩa là: Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy). Ông còn nói với học trò là Tử Du: “Đời nay chỉ bảo rằng, nuôi được cha mẹ là hiếu. Nhưng suy đến loài hèn như khuyển mã (chó ngựa), cũng còn nuôi nó cả. Nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính, thì có khác gì đâu !”.

Hiếu thuận cha mẹ, ông bà, tổ tiên không chỉ là một vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống, mà còn là một loại tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức con người. “Hiếu” và “Tu thân” để thành NHÂN có quan hệ mật thiết với nhau. Một người con có hiếu tất sẽ có một trái tim thiện lương, là tố chất cần phải có trong đối nhân xử thế, nó bao hàm rất nhiều các phương diện mỹ đức khác như: cảm ân, báo ân, không quên nguồn cội, tôn kính bề trên, suy nghĩ cho người khác,… 

Thời Nhà Lê, thế kỷ XV, Bộ luật Hồng Đức đã thể chế hoá việc thờ cúng tổ tiên, quy định rõ việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ).

Ngày nay, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, chữ “Hiếu” bị mai một, cụ thể, trong xã hội đã xuất hiện tình trạng khá phổ biến chứ không còn là cá biệt như: Con cháu không tôn kính cha mẹ, ông bà; từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ già, hoặc có nuôi dưỡng nhưng coi đó như nghĩa vụ mà không có lòng tôn kính; không vâng lời dạy dỗ, khuyên bảo của ông bà, cha mẹ; coi thường, mắng mỏ, đánh đập ông bà, cha mẹ, thậm chí là giết cha mẹ, ông bà vì thừa kế tài sản hoặc vì nguyên nhân này khác; những tín ngưỡng đạo thờ tổ tiên bị biến dạng, không còn nguyên nghĩa của đạo “Uống nước nhớ nguồn” khi xưa.

Khá nhiều người hiện nay dâng lễ thờ cúng tổ tiên, có tư tâm rất lớn, cầu xin cho mình, cho con cháu mình rất nhiều thứ, nào là cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu tiền tài, danh vọng, may mắn, thi cử đỗ đạt, vv…

Cũng có người khi cha mẹ còn sống thì chăm sóc không đủ hiếu thuận, nhưng các dịp giỗ chạp lại làm cỗ lớn, của ngon vật lạ để mời ‘các cụ’ về thụ hưởng và phù hộ độ trì cho con cháu, coi việc đó như báo hiếu và thể hiện sự hiếu thảo trước làng xóm láng giềng.

Chúng ta thử nghĩ xem, thờ cúng tổ tiên như vậy có đúng với truyền thống hay không?

Liệu “Tổ tiên” có thể ban cấp được những thứ chúng ta cầu hay không?

Tổ tiên có về được theo lời thỉnh mời của chúng ta để ngự trên bàn thờ thụ hưởng lễ vật hay không?

Chúng ta cùng tham khảo một câu chuyện trong Phật giáo để tìm hiểu đạo lý trong việc thờ cúng hiện nay.

Mục Kiền Liên là một vị tôn giả vô cùng nổi tiếng với nhiều điển tích trong Phật giáo. Câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ chính là nguồn gốc ra đời ngày lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng 7 hàng năm.

Chuyện kể rằng, thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, một trong số mười Đại đệ tử của Ngài là Mục Kiền Liên, được mệnh danh là thần thông đệ nhất, sau khi tu thành đạo liền nhớ đến người mẹ đã khuất của mình và tìm mẹ ở khắp nơi. Đi qua nhiều tầng địa ngục, cuối cùng, Mục Kiền Liên tìm thấy mẹ của mình đang bị đọa ở địa ngục chịu khổ đói khát. Thương xót mẹ, Mục Kiền Liên hóa ra một bát cơm dâng cho mẹ. Nhưng bà mẹ không ăn được, bởi tâm tham lam vẫn còn nên bát cơm đã biến thành than lửa. Mục Kiền Liên chứng kiến mà trong lòng vô cùng đau xót. Tuy bản thân đạt thành đạo quả A La Hán, nhưng rốt cuộc vẫn không thể cứu nổi mẹ mình.

Ngài trở về bạch Đức Phật sự tình và cầu sự chỉ dạy cách để giúp mẹ thoát khổ….

Phật giáo cho rằng, con người sống trong tam giới, sau khi chết đi 49 ngày, tùy theo nghiệp lực luân báo mà vào sáu nẻo luân hồi – Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Cõi người, Atula và Chư thiên. Câu chuyện Mục Kiền Liên cho thấy rằng, khi đã vào một trong sáu nẻo luân hồi thì các sinh mệnh trong mỗi cõi giới đều không thể tự mình đến được các cõi giới khác. Sở dĩ Mục Kiền Liên có thể đến địa ngục tìm mẹ vì Ngài đã tu hành đắc quả vị La Hán với vô số thần thông biến hóa.

Cho nên, tổ tiên chúng ta có về ngự được trên bàn thờ hay không chúng ta có thể tự thấy câu trả lời. Giả sử, trường hợp cá biệt, ai đó trong tổ tiên chúng ta luân hồi trở lại làm người cùng thời chúng ta đang sống thì chắc chắn rằng chúng ta cũng không nhận ra và ‘Tổ tiên’ ấy cũng không nhận ra chúng ta. Ngay cả Nho giáo về thờ cúng tổ tiên, cũng không cho rằng ‘Tổ tiên’ về ngự trên bàn thờ. Trong sách Trung Dung, Tử Tư, cháu nội của Đức Khổng Tử dạy: “… thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy”.

Rất nhiều người hiện nay thường tự mâu thuẫn với chính mình mà không nhận ra. Chúng ta thường thấy rằng, khi gia đình nào đó có người thân bị chết, thì họ thường cầu cho người thân được “Siêu thoát”, được về “Tây Phương Cực lạc” của Phật A Di Đà, nhưng đến ngày giỗ Tết, thì họ dâng lễ và cho rằng “Các cụ” đều về để thụ hưởng lễ vật. Hỏi “Các cụ” có về được không? Nếu đã “siêu thoát” rồi, hay đã về được “Tây Phương Cực lạc” rồi, thì làm sao có thể trở về dương gian được?!

Về việc tổ tiên có đáp ứng các cầu nguyện của chúng ta như ban cấp sức khỏe, bình an, ăn nên làm ra hay không, vv… cũng có thể tìm thấy câu trả lời từ câu chuyện về Mục Kiền Liên. Mẹ Mục Kiền Liên, nói thẳng ra, lo thân mình chưa xong, làm sao có thể giúp gì cho con cháu. Tuy rằng, trường hợp mẹ Mục Kiền Liên cá biệt vì ở trong địa ngục, nhưng ngay cả Mục Kiền Liên đã là A La Hán thần thông quảng đại cũng không cứu giúp nổi mẹ mình. Nhìn từ đạo lý Nhân – Quả của nhà Phật, thì việc cầu xin cũng sẽ không đáp ứng, bởi vì theo đó, chúng ta muốn được Quả tốt, cần phải gieo Nhân tốt. Tất nhiên có thể có người sẽ nêu các trường hợp cầu cúng vẫn được linh ứng – có thể chuyện đó có thật, nhưng ai đáp ứng thì chúng ta không biết. Nếu xem phim Tây Du Ký, ta có thể nhận thấy rất nhiều ‘yêu quái’ cũng có thể làm được điều đó, nhưng chúng đều có mục đích của chúng.

Nói về vấn đề người học Pháp Luân Công đối với việc thờ cúng tổ tiên như thế nào? Bản thân là người học Pháp Luân Công, tôi nhận thấy rằng giáo lý của Pháp Luân Công chỉ có 2 điều cấm, đó là, cấm sát sinh và cấm uống rượu, không có điều cấm nào về thờ cúng tổ tiên. Tức là việc một người học Pháp Luân Công có thờ cúng tổ tiên hay không là việc của cá nhân người đó, không đại biểu cho Pháp Luân Công.

Cá nhân tôi thì nhận thấy, thờ cúng tổ tiên theo truyền thống là một nét văn hóa  truyền thống tốt đẹp. Khổng tử dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín chính là tiêu chuẩn quy phạm đạo đức của con người, là đạo làm người. Việc thờ cúng tổ tiên chính là cách dạy mỗi người tu thân bắt đầu từ Hiếu vốn là cái gốc để thành Nhân. Đạo lý của Pháp Luân Công dạy Chân, Thiện, Nhẫn bắt đầu từ việc trở thành người tốt trong gia đình và xã hội, theo thiển ý của người viết, nó bao hàm một tiêu chuẩn đạo đức rất rộng, trong đó có cả chữ Hiếu và các tiêu chuẩn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… cho nên không có gì mâu thuẫn với việc thờ cúng tổ tiên theo truyền thống. Do vậy, ở đâu đó cho rằng, đã học Pháp Luân Công rồi thì không được thờ cúng tổ tiên thì đó không phải là Đạo lý dạy trong Pháp Luân Công.

Minh Trí, một Học viên tu luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam

Previous Article

Chữ “Nghĩa” – Điều Con Người Cần Để Sống Có Ý Nghĩa

You might be interested in …