Trong mỗi nẻo đường cuộc sống, có lẽ không điều gì đáng ngưỡng mộ hơn lòng kiên nhẫn. Như dòng nước chảy mãi mà làm mòn đá, những người bền bỉ nhẫn nại luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người, dù ở bất cứ quốc gia nào hay dân tộc nào trên thế giới. Từ triết lý “Nhẫn” (忍) trong văn hoá truyền thống, chứng thực bằng những bài học lịch sử Việt Nam, ta nhận ra rằng: “Nhẫn” là chìa khoá của hạnh phúc và thành công.

Triết lý “Nhẫn” – Bản lĩnh vượt qua một chữ “danh”:
Chữ “Nhẫn” trong Hán tự được viết bằng hai phần: trên là “Đao” (刀), dưới là “Tâm” (心). Như một hình tượng ẩn dụ, trái tim dù phải chịu đựng đau thương nhưng vẫn điềm nhiên trước mọi biến động. Lão Tử từng viết trong Đạo Đức Kinh: “Vô vi nhi vô bất vi” (Không làm gì mà không có gì không làm). Triết lý ấy nhấn mạnh sự hành động trong tĩnh lặng, chờ đợi thời cơ mà không hấp tấp. Nhẫn nhịn không phải là sự yếu đuối, mà là sức mạnh nội tại để bước qua nghịch cảnh với bản lĩnh lớn lao.
Câu chuyện về Hàn Tín, danh tướng thời Hán, từng chịu nhục chui háng kẻ vô lại nhưng sau này trở thành người dẫn đầu quân đội vĩ đại khai sáng nhà Hán. Hình ảnh ấy giống như minh chứng rõ nét nhất cho triết lý “Nhẫn” của người xưa – nhẫn chịu không phải để cam chịu, mà là cảnh giới tinh thần vượt trên chấp niệm vào một chữ “danh”.
Và cũng như vậy, trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trãi đã hóa thân thành hiện thân của lòng nhẫn nại phi thường – là bài học sâu sắc cho con cháu đất Việt. Đáng tiếc là câu chuyện về đức “NHẪN” của Ngài đã không được giảng dạy ngày nay bởi khác biệt về văn hoá (ngày nay xã hội được giáo dục theo văn hoá đấu tranh).
Nguyễn Trãi – Người mang tâm đại nhẫn và đại nghĩa
Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, là người mang cả nỗi đau và vinh quang của một thời đại. Ông đã sống qua những ngày tháng mà bão tố chính trị, những âm mưu triều đình và lòng người bất trắc liên tục đè nặng lên đôi vai. Nhưng vượt lên tất cả, ông vẫn giữ trọn niềm tin vào đại nghĩa, vào công lý và chân lý. Dù vậy, cuộc đời ông khép lại trong bi kịch oan khuất, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho hậu thế sau này. Nhưng tiếc thay, bài học này lại không được ngày nay răn dạy con cháu.

Cống hiến lớn lao trong khởi nghĩa Lam Sơn
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Ông là người trí dũng song toàn, không chỉ giỏi văn chương mà còn am hiểu binh pháp. Khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã góp công lớn và trở thành trọng thần khai quốc của vua Lê Lợi. Những kế sách mà ông đưa ra, như kế “vườn không nhà trống” và sử dụng chiến thuật tâm lý, đã giúp nghĩa quân xoay chuyển tình thế trước quân Minh hùng mạnh.
Trong đó, Bình Ngô Đại Cáo, bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Nguyễn Trãi, không chỉ khẳng định sức mạnh và tinh thần của dân tộc mà còn thể hiện sâu sắc triết lý nhân nghĩa mà ông luôn theo đuổi.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Những lời lẽ trong Bình Ngô Đại Cáo không chỉ là tuyên ngôn chính trị, mà còn là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, về đạo lý trị quốc và về trách nhiệm của người cầm quyền với nhân dân. Nhưng cũng chính vì những lý tưởng lớn lao ấy, ông đã trở thành đối tượng của sự nghi kỵ khi triều đình bước vào thời kỳ hậu chiến đầy bất ổn.
Những ngày tháng bị nghi kỵ
Sau khi Lê Lợi qua đời, Nguyễn Trãi rơi vào vòng xoáy của những lời gièm pha và mưu đồ chính trị. Là người mang tư tưởng lớn và không ngại lên tiếng bảo vệ lẽ phải, ông bị nhiều kẻ gian thần trong triều đình xem là cái gai trong mắt. Những người từng đồng hành trong khởi nghĩa giờ đây xa lánh ông, còn những kẻ cơ hội lại tìm cách đẩy ông vào cảnh khốn cùng.
Những năm tháng ấy, Nguyễn Trãi sống trong cô lập và nghi kỵ. Có một câu thơ người đời sau lưu truyền được cho là Ông từng viết:
“Người cũ nay đâu còn nữa,
Tình xưa chớp mắt thành không.”
Lời thơ như tiếng thở dài của một trái tim mệt mỏi nhưng vẫn giữ sự cao quý của bậc chính nhân quân tử. Ông hiểu rằng, trong thời kỳ nhiễu nhương, để giữ được chính nghĩa thì không chỉ cần tài năng mà còn cần sự nhẫn nại phi thường.
Bi kịch Lệ Chi Viên
Bi kịch lớn nhất cuộc đời Nguyễn Trãi là vụ án Lệ Chi Viên năm 1442. Sau cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông tại Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi và gia đình bị buộc tội mưu sát. Đây là một cáo buộc vô căn cứ, nhưng dưới áp lực từ những kẻ gian trong triều đình, ông và gia quyến bị xử tử. Cái chết của ông không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn là vết thương sâu trong lịch sử Việt Nam.
Hậu thế nhìn nhận vụ án Lệ Chi Viên như một tấm gương về sự bất công, nhưng đồng thời cũng thấy ở đó ánh sáng của lòng nhẫn nại và đại nghĩa của danh nhân đất Việt. Dù bị giày vò bởi những thế lực tối tăm, Nguyễn Trãi chưa bao giờ để lòng thù hận làm mờ đi lý tưởng cao đẹp. Ông đã sống một đời người mà mỗi trang viết, mỗi hành động đều vì đất nước và nhân dân.
Nguyễn Trãi và bài học cho hậu thế
Câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Trãi không chỉ là bài học về lòng yêu nước và sự kiên nhẫn, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của tâm đại nhẫn và đại nghĩa. Ông đã sống và cống hiến hết mình, dù phải trả giá bằng chính mạng sống. Nhưng di sản tinh thần của ông vẫn mãi sống trong lòng người Việt, như ánh sáng soi đường cho những thế hệ sau.

Ngày nay – đức “Nhẫn” cần được dạy lại
Ngày nay, thế giới đầy biến động với áp lực và cám dỗ khiến nhiều người trẻ dễ rơi vào trạng thái nóng vội, muốn thành công ngay lập tức. Nhưng lịch sử và triết lý phương Đông đã chỉ ra rằng, những ai biết nhẫn nại mới có thể đi xa. Từ việc học tập, làm việc đến xây dựng các mối quan hệ, sự kiên nhẫn là chiếc cầu nối vững chắc để dẫn đến thành công lâu dài.
Đức tính “Nhẫn” là căn bản của sự hạnh phúc và thành công trong đời người, nhưng ngày nay, con người được dạy bởi học thuyết đấu tranh, xuất phát từ lý thuyết đấu tranh sinh tồn, coi con người như động vật mà phản lại những giáo dục về chữ “NHẪN” của người xưa. Thật đáng tiếc vô cùng!
Còn bạn, nếu thấy Nhẫn là quan trọng, xin hãy bỏ đi văn hóa tranh đấu hại người, quay về với lời dạy của các cụ xưa và thực hành theo “Nhẫn” để thấy được rằng “lùi một bước biển rộng trời cao”.