Trong văn hóa Nho gia, chữ “Tín” (信), một trong ngũ thường “Nhân – nghĩa – lễ – trí – tín” – chuẩn mực của đạo lý làm người. Chữ “Tín” là nền tảng của mối quan hệ bền vững giữa con người với con người, giữa thần tử và quân vương, giữa bạn bè và đồng sự. Từ thời cổ đại, “Tín” luôn được đề cao trong tư tưởng và hành động, như một giá trị cốt lõi của nhân cách.

Chữ Tín trong triết lý Nho gia
Chữ “Tín” (信) trong Hán tự gồm hai bộ phận: “Nhân” (人 – con người) và “Ngôn” (言 – lời nói). Ý nghĩa của chữ này nhấn mạnh rằng, để được xem là người chính nhân quân tử, lời nói phải đi đôi với hành động, ngôn từ phải được thực hiện bằng lòng trung thực. Khổng Tử từng nói trong Luận Ngữ: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã.” (Người mà không có chữ tín, ta không biết còn làm được gì nữa).
“Tín” không chỉ là sự trung thực, chính trực mà còn là cam kết chắc chắn, không để mối quan hệ bị lung lay bởi sự mập mờ hoặc giả dối. Đạo lý này được minh chứng rõ nét trong nhân cách của Trần Hưng Đạo – biểu tượng của chữ “Tín” trong lịch sử Việt Nam.
Tư tưởng về “Tín” trong văn hóa truyền thống
Chữ “Tín” trong tư tưởng phương Đông không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự và lòng tin xã hội.
- “Chính tín” trong hành động
“Chính tín” (正信) là lòng tin ngay thẳng, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay cảm xúc bất thường. Lý Thường Kiệt chính là hình mẫu của “chính tín” khi ông đặt trách nhiệm bảo vệ đất nước lên trên hết, không màng danh lợi cá nhân. Những hành động của ông đã truyền cảm hứng cho hậu thế, thể hiện sự gắn bó giữa chữ tín và phẩm chất của người lãnh đạo.
- “Trung tín” và sự bền vững của quan hệ xã hội
“Trung tín” (忠信) không chỉ là cam kết trung thực giữa hai cá nhân mà còn là sự kiên định trong các mối quan hệ xã hội. Lý Thường Kiệt giữ vững “trung tín” với vua Lý Thánh Tông, từ đó củng cố niềm tin của triều đình và nhân dân. Tư tưởng này có thể được so sánh với câu nói trong Hậu Hán Thư: “Tín vi lập thân chi bản, vi bang quốc chi căn.” (Chữ tín là gốc của việc lập thân, là nền tảng của quốc gia).
Tấm gương tiền nhân cho hậu thế noi theo
Nhìn vào lịch sử cổ đại cả Việt Nam và Trung Quốc, đã có bao nhiêu bậc anh hùng, chính nhân quân tử để lại bài học sâu sắc cho hậu thể, để người người đời sau hiểu được nội hàm chữ “TÍN” và thực hành theo.
Đất Việt ta có thể kể đến những tấm gương như:
- Đức Trần Hưng Đạo tuyên bố mạnh mẽ tại bến Bình Than năm 1282 rằng “”Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” như một tuyên ngôn của người giữ chữ “Tín” với vua, dân và đất nước, không lay chuyển trước khó khăn hay hiểm nguy (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

(Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – ảnh sưu tầm)
- Hay một lời hứa của danh tướng Tô Hiến Thành (1102–1179) với vua Lý Anh Tông rằng phò trợ thái tử Lý Long Cán còn nhỏ tuổi, người được vua chọn làm người kế vị. Sau khi vua Lý Anh Tông qua đời, một số quan trong triều muốn lập hoàng tử khác là Lý Long Xưởng, vì Long Xưởng đã trưởng thành và có nhiều thế lực ủng hộ, lên làm vua. Tuy nhiên, Tô Hiến Thành kiên quyết giữ lời hứa với vua Anh Tông, bảo vệ ngôi vị của thái tử Long Cán. Ông đối mặt với áp lực lớn từ nhiều phe phái trong triều nhưng không lay chuyển ý chí và thủ vững sự bình yên của quốc gia.
- Và mỗi triều đại đất Việt đều có những tấm gương “Trung Tín” như thế với quốc gia như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão …
Trung Hoa cổ đại có thể nhắc đến rất nhiều tấm gương như:
- Điển hình nhất về giữ chữ “Tín” có lẽ là câu chuyện “Quý Trát treo kiếm” thời Xuân Thu vậy. Ông ấy giữ lời hứa ngay cả khi chỉ là quyết định “hứa trong ý nghĩ” mà chưa nói ra. Chuyện kể rằng Quý Trát đi qua nước Từ để đến nước Lỗ, vì vua Từ thích thanh kiếm bên hông Quý Trát nhưng không nói ra, và cũng vì Quý Trát hiểu điều đó nhưng vẫn cần kiếm để phòng thân trên đường nên chưa tặng được, dù lòng đã quyết định khi quay về sẽ tặng. Nhưng 3 năm sau, khi quay về nước Từ thì vua Từ đã chết rồi. Quý Trát đã lấy thanh kiếm treo ở trên cây bên mộ vua Từ và nghĩ trong lòng “Ngài mặc dù đã qua đời, nhưng lời hứa hẹn trong lòng tôi vẫn còn, hôm nay đem thanh kiếm này tặng cho ngài, cũng dùng thanh kiếm này để nói lời từ biệt”. Đây quả là một câu chuyện lưu truyền ngàn năm cho hậu thế noi theo: ngay cả lời hứa trong ý nghĩ cũng kiên quyết thực hiện.
- Và còn hàng ngàn danh nhân đã để lại ý nghĩa của chữ “Tín” cho người sau như: Hàn Tín với lòng trung tín với Hán Cao Tổ, Quan Vũ giữ trọn chữ Tín với Lưu Bị dù được Tào Tháo hết mực quý trọng hay danh tướng Nhạc Phi tận trung với nhà Tống dù bị Tấn Cối hãm hại …

(Nguyên soái Nhạc Phi thời Tống – ảnh sưu tầm)
Những tấm gương mỹ đức về chữ “Tín” ấy – đáng tiếc ngày nay lại ít được giảng dạy trong nhà trường hay ca tụng những tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật để người người noi gương. Lịch sử ngay nay con cháu thường chỉ biết đến các cuộc chiến tranh, đấy là vì lý gì vậy?
Lưu truyền chữ Tín – trách nhiệm của mỗi bậc chính nhân quân tử
Trong bối cảnh xã hội ngày càng loạn lạc, lòng người ngày hướng về giá trị lợi ích tiền tài danh vọng, chữ “Tín” lại càng cần được giáo dục và lưu truyền. Như lý “vật cực tất phản” – khi xã hội xuống cấp đến tận cùng thì sẽ quay về với chân giá trị ngàn xưa. Nếu biết rằng Tín là giá trị quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền vững giữa con người và xã hội thì vì cớ gì mà con người ngày nay còn chưa quay trở về với “Tín”?
Trong công việc, “chính tín” là sự cam kết với chất lượng và trách nhiệm. Trong gia đình, “trung tín” là lời hứa về sự yêu thương và tôn trọng. Những câu chuyện lịch sử như của Lý Thường Kiệt là bài học sâu sắc để chúng ta hiểu rằng, chỉ khi giữ vững chữ tín, con người mới tạo nên sự ổn định và phát triển cho cộng đồng.
Kết luận
Chữ “Tín” là gốc rễ của nhân cách, là tấm gương soi sáng hành động và lời nói của mỗi người. Qua hàng ngàn tấm gương trong lịch sử về chữ “Tín”, chúng ta thấy rõ rằng, giữ chữ “TÍN”, hay sự trung thực, chính trực không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là bài học lớn cho xã hội.
Hãy ghi nhớ lời dạy của Khổng Tử: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” (Người mà không có tín thì không thể làm bất kỳ việc gì) bởi lẽ, chữ ‘TÍN” là nền tảng để con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình khi mang thân người và để xã hội ổn định, thăng hoa.

DTT
Nguyễn Trãi Với “Nhẫn” – Giá Trị Phổ Quát Của Nhân Loại