Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt, Đền Hùng không chỉ là địa danh linh thiêng mà còn là biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội, nơi gợi nhắc những giá trị văn hóa bất biến qua thời gian. Khi tháng ba âm lịch ùa về, lễ hội Đền Hùng tựa một khúc trường ca vọng cổ, ngân vang từ ngàn xưa, ngợi ca công đức tổ tiên và thắp sáng niềm tự hào dân tộc trong mỗi con tim Việt Nam.
Hơn cả một sự kiện văn hóa, lễ hội Đền Hùng là lời khẳng định của dân tộc Việt về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đây là dịp để hậu thế hành hương về cội nguồn, vun đắp tinh thần đoàn kết và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, trường tồn với thời gian.
1. Ý nghĩa văn hóa và tâm linh:
Mỗi người con đất Việt dường như đều biết Đền Hùng là nơi thờ phụng các Vua Hùng – những vị Thủy tổ khai sinh nước Văn Lang, mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Núi Nghĩa Lĩnh sừng sững giữa trời đất Phong Châu được cho là điểm tụ hội linh khí, nơi giao thoa giữa thiên – địa – nhân.
Đền Hùng có 3 khu đền chính: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, tượng trưng cho từng chặng đường của “công đức khai thiên lập quốc” của các bậc tiền nhân. Lên đến đền Thượng – ngôi đền cao nhất, người hành hương không chỉ dâng hương mà còn dâng lòng thành kính, như một lời hứa thiêng liêng rằng:
“Tổ tiên dù khuất bóng, con cháu mãi khắc ghi, gắng công dựng xây non nước, không phụ lòng cha ông.”
Hành trình lên đền Thượng là một hành trình tâm linh sâu sắc. Bước qua từng bậc đá, mỗi người như nghe thấy tiếng vọng ngàn xưa của các bậc tiên hiền, dặn dò hậu thế giữ gìn truyền thống. Không gian núi rừng linh thiêng, ngọn gió phảng phất hương trầm làm lòng người thêm tĩnh tại, hướng về giá trị cốt lõi của con người: chữ HIẾU, bởi người xưa giảng “Bách thiện – hiếu vi tiên” – trăm điều thiện, hiếu đứng đầu. Hướng về nguồn cội – chính hướng về với cội nguồn của chữ Hiếu vậy.
2. Nghi thức và hoạt động nổi bật:
Nghi lễ dâng hương

Vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hàng triệu người từ khắp mọi miền đất nước, dù xa xôi cách trở, vẫn hành hương về Đền Hùng. Lễ dâng hương tổ chức tại đền Thượng là nghi thức linh thiêng bậc nhất.
Hình ảnh cụ già quỳ gối, chắp tay cầu khấn, trẻ nhỏ theo cha mẹ dâng nén hương là những hình ảnh quen thuộc bạn gặp trên Đền Hùng, nó gợi lên sự nối truyền của các thế hệ. Không gian nghiêm trang, khói hương quyện gió như dẫn lối những tâm hồn trở về với nguồn cội – sẽ khiến bạn cảm thấy rất gần với tiên tổ.
Hội thi gói bánh chưng, bánh giầy

Cuộc thi này tái hiện tích truyện Lang Liêu dâng bánh với ý nghĩa về sự giao hòa giữa trời đất. Mỗi chiếc bánh được làm ra là lời nhắc nhở con cháu về công đức tổ tiên và tinh hoa ẩm thực Việt:
- Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất.
- Bánh giầy tròn tượng trưng cho trời.
Hình ảnh các nghệ nhân chăm chút từng chiếc bánh, lạt buộc gọn gàng từ bao nhiêu năm nay vẫn vậy, vẫn diễn ra trong mỗi mùa lệ hội với mong muốn thể hiện lòng thành kính và hiếu đức với tiên tổ.
Hát Xoan và nghệ thuật biểu diễn

Tiếng hát Xoan – di sản văn hóa phi vật thể, vang lên dưới gốc đa cổ thụ, len lỏi vào từng ngõ ngách như tiếng lòng của tổ tiên gửi lại cho cháu con. Những lời ca mộc mạc, chân thành như:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Hát Xoan không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là di sản tinh thần, kết nối quá khứ với hiện tại.
Lễ hội Đền Hùng thể hiện rõ nét giá trị “đồng tâm đồng đức” của dân tộc Việt Nam: dù khác biệt về vùng miền, tôn giáo, người Việt vẫn chung một lòng hướng về tổ tiên. Thông qua lễ hội, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” được lưu truyền và tôn vinh, trở thành nền tảng đạo đức và nhân sinh của mỗi người con đất Việt.
Bên cạnh đó, lễ hội còn gửi gắm bài học về tình đoàn kết. Những hoạt động cộng đồng như hội thi, trò chơi dân gian, phiên chợ văn hóa không chỉ là dịp giao lưu mà còn là biểu hiện của sự đồng lòng, gắn kết.
3. Đã đến lúc con người quay nên về với văn hóa truyền thống:

Trong vòng xoáy hiện đại hóa, con người dễ lãng quên nguồn cội và giá trị tinh thần quý giá mà tổ tiên đã để lại. Lễ hội Đền Hùng như một lời nhắn gửi:
“Hãy dừng chân, quay về nguồn cội, để lắng nghe tiếng nói thiêng liêng của lịch sử và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.”
Mỗi bước chân lên đỉnh Nghĩa Lĩnh chính là một lần khẳng định sự nối tiếp và trường tồn của văn hóa Việt Nam.
Kết bài:

Lễ hội Đền Hùng không chỉ là ngày giỗ Tổ của dân tộc mà còn là biểu tượng văn hóa và tâm linh. Đây là dịp để mỗi người Việt trở về với gốc rễ, khắc sâu trong tim bài học về lòng biết ơn, sự đoàn kết và tình yêu quê hương. Truyền thống ấy mãi là ngọn đuốc soi sáng con đường tương lai cho bao thế hệ mai sau.
Trí Hoa